Nhà đầu tư đi xem đất ngày càng nhiều

Cuối năm, nhiều người kì vọng dòng tiền của sẽ đổ vào bất động sản. Ngay sau thời điểm nới giãn cách, số lượng người đi xem BĐS đã tăng rõ nét trở lại, nhất là khoảng 2-3 tuần trở lại đây.

Dù thời điểm này, thị trường BĐS chưa sôi động bằng dịp đầu năm, nhưng việc nhà đầu tư (NĐT) Tp.HCM rục rịch đổ về các tỉnh lân cận để xem đất ngày càng nhiều cho thấy, BĐS đã có dấu hiệu “bắt nhịp” nhanh với trạng thái “bình thường mới”.

Ghi nhận cho thấy, lượng nhà đầu tư đổ về các tỉnh xem BĐS tăng lên đáng kể từ thời điểm nới giãn cách. Nhiều người đi nghe ngóng tình hình, nhiều trong số đó đã tìm hiểu sản phẩm trước đó và đi xem thực tế để quyết định.

Theo các môi giới, dù quyết định của các nhà đầu tư chưa quyết đoán nhưng họ chịu đi xem BĐS chứng tỏ BĐS vẫn là kênh mà NĐT quan tâm. Anh Tr, một môi giới BĐS khu vực Đồng Nai cho biết, lượng khách xem đất đổ về Đồng Nai tăng lên rõ nét khoảng 2 tuần trở lại đây. Trong đó, phần đông vẫn là nhà đầu tư khu vực Tp.HCM. “Nếu thời điểm đầu giãn cách, việc đi lại từ Tp.HCM với Đồng Nai cũng như mấy tỉnh lân cận còn khó khăn thì hiện tại, việc giao thương đã dễ dàng hơn nên khách đầu tư đã tích cực quay trở lại thị trường. Mặc dù giao dịch chỉ ở mức lác đác”, anh Tr cho hay.

Không chỉ ở tỉnh vệ tinh mà khu vực lân cận Tp.HCM, người mua cũng đã bắt đầu quay trở lại thị trường. Khu vực Tp.Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… lượng người mua đã rục rịch đi tìm hiểu dự án. Với những dự án chào bán mới, mức giá còn mềm được người mua quan tâm.

Báo cáo của DKRA Vietnam, từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế – xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống.

Dự báo về thị trường bất động sản Quý 4/2021, DKRA Viẹtanm cho rằng, nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn Quý 3, không chỉ ở Tp.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Theo đó: Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước.

Dự báo nguồn cung mới Quý 4, toàn bộ khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 – 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, Tp.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 – 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Dự kiến, nguồn cung căn hộ của Tp.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực do các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh cho đến hết năm 2021, ngoại trừ một vài địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh.

Sức mua chung trong Quý 4, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với Quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với Quý 1 hoặc cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát.

Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của Quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.

“Từ những dự báo trên, có thể thấy trong Quý 4, giao dịch trên thị trường khó có thể tăng mạnh mà vẫn ổn định như Quý 3. Dù áp lực tăng giá có thể xảy ra bởi nhiều lý do tác động như: chi phí đầu vào, áp lực lạm phát,… nhưng chủ đầu tư cũng sẽ tăng cường các chính sách bán hàng như kéo dài thời gian thanh toán, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất,… để hấp dẫn người mua. Một số dự án sẽ có chiến lược tăng giá tuỳ theo thế mạnh của mình”, đại diện DKRA Vietnam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ Quý 1/2021 (lạm phát, chi phí VLXD tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ Quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 – 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là những địa phương gần các công trình hạ tầng giao thông lớn, có quy hoạch/pháp lý đầy đủ sẽ luôn thu hút khách đầu tư.

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cũng cho rừng,  giai đoạn từ 1/10 đến 17/1/2022 sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại của giá đất, với mức tăng khoảng 5-10%; giai đoạn 2 từ 18/1/2022 đến 15/2/2022; giai đoạn nghỉ ngơi sẽ rơi vào Tết Nguyên đán. Từ 16/2/2022 đến 31/3/2022 sẽ là giai đoạn tăng trưởng dự đoán khoảng 10-15%. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ dừng lại nhưng nhà đầu tư lâu năm sẽ tích cực săn hàng. Giai đoạn cuối cùng khoảng 120 ngày, thị trường có tâm thế giằng co và dự báo nhích nhẹ khoảng 5%.

Nhận định về thị trường BĐS thời điểm cuối năm, ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia của Savills cho rằng, đối với nhóm đầu tư cá nhân, nếu có nhu cầu nhà ở, nguồn tiền đã có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư “lướt sóng” hay nhóm đầu tư ngắn hạn thì chưa phải là thời điểm thích hợp.

“Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng đẩy giá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới cũng tương đối không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh”, TS Khương cho biết.

Theo hầu hết các chuyên gia, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn, nhất là giá nhà đất lại có xu hướng tăng theo thời gian.

Theo CafeF

Để lại một bình luận