Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, lạm phát chắc chắn sẽ không xảy ra trong năm 2022 bởi năng lực sản xuất của nền kinh tế vẫn mạnh, chính sách quản lý tiền tệ của Chính phủ tốt…
Đã không ít dự báo từ giới đầu tư cho rằng, lạm phát sớm muộn sẽ xảy ra trong giai đoạn năm 2022-2023 khi giá nguyên vật liệu tăng cao, gói tiền hỗ trợ nền kinh tế 800.000 tỷ đang được đề xuất sớm đi vào thị trường… Với loạt tín hiệu này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi tiền rẻ thì bất động sản chính là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Và nếu lạm phát xảy ra thì càng nên đổ tiền vào bất động sản.
Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng, TS. Đinh Thế Hiển lại cho rằng, lạm phát sẽ không xảy ra.
Lý giải cho nhận định này, vị chuyên gia kinh tế nói, nhiều người nghĩ lạm phát xảy ra khi gói 800.000 tỷ được bơm vào nền kinh tế. Nhưng, gói hỗ trợ nền kinh tế mới nẳm trên kế hoạch. Và thực tế cũng rất khó để bơm vào nền kinh tế một số tiền lớn là 800.000 tỷ đồng.
“Trong năm 2021, Chính phủ đã lập 55 đoàn tổ công tác tại các địa phương để giải ngân đầu tư công. Vấn đề giải ngân đầu tư công hiện còn chậm. Các kế hoạch chi tiêu đều chuẩn bị từ nhiều trước, đã đầy đủ điều kiện để thực hiện giải ngân nhưng còn chưa xong, nói chi đến gói 800.000 tỷ đồng. Kế hoạch vẫn là kế hoạch và phải coi vào thực tế việc giải ngân như thế nào. Thế nên, số tiền đó sẽ khó có thể giải ngân được”, TS. Đinh Thế Hiển phân tích.
Vị chuyên gia này tiếp tục nhấn mạnh, lạm phát sẽ không thể tăng cao, mạnh. Lạm phát tăng cao lắm chỉ 6% và không thể hơn.
Theo đó, ông Hiển lý giải, thứ nhất, Chính phủ đang quản lý tiền tệ tốt, không có dấu hiệu của một nền chính phủ chi tiêu xài quá độ, phải in tiền ra để bù đắp khoản thiếu nợ. Như vậy, chính phủ chi tiêu hợp lý thì nguyên nhân này sẽ không làm chỉ số lạm phát tăng cao.
Nếu lạm phát tăng thì chỉ có nguyên đến từ việc tăng giá, khi năng lực sản xuất thấp. Nhưng đến nay, năng lực sản xuất của Việt Nam còn tốt như hàng công nghiệp, các đồ thiết yếu: rau, gạo…
Nếu thiếu hàng thì tình trạng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, tức là khi các địa phương phải thực hiện chính sách giãn cách. Nhưng sau đó, tình trạng này đã không còn. Quan sát giá tại các siêu thị, chợ, việc tăng giá hàng hoá, nông sản, thực phẩm không hề có. Ngay cả việc, một số chủ tiệm tăng giá “tát nước theo mua” cũng chỉ được thời gian ngắn và khó bán do các nhiều cơ sở kinh doanh khác dồi dào hàng hoá. Nhất là tới đây, nếu ai bán hàng cố tình làm tăng giá thì còn bị quản lý, xử phạt.
Thực tế, hiện tại, nhu cầu của người dân không lớn mà các cơ sở bày đặt tăng giá để làm gì. Vì dịch, nhiều cơ sở còn được hỗ trợ giãn thành gian thanh toán cho nhà cung cấp từ 30 ngày tới 60 ngày. Các cửa hàng đồ điện tử như ti vi, tủ lạnh… còn liên tục giảm giá.
“Chỉ thống kê một số mặt hàng thiết yếu đã cho thấy, mặt bằng chung, giá không tăng. Trong khi đó, giá dầu và thép dù đang tăng nhưng thế giới không cho phép tăng mãi. Mỹ và châu Âu hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát trong năm 2022. Lạm phát xảy ra do ảnh hưởng đứt gãy của chuỗi cung ứng, khi quá trình xuất khẩu hàng qua châu Âu và Mỹ bị trục trặc do giãn cách. Việc tăng giá đó chỉ nằm trong khoảng thời gian tạm thời, gián đoạn, không phải đến từ bản chất.
Còn lạm phát nguy hiểm nhất là đến từ nền kinh tế sản xuất yếu, Chính phủ chi tiêu tiền vô tội vạ. Lạm phát chính là con ngáo ộp, làm nguồn cầu thế giới suy giảm.
Ngoài ra, tại Việt Nam, nếu như Chính phủ ký quyết định tăng lương 30% để bù lạm phát thì nguy cơ lạm phát cao mới xảy ra. Nhưng hiện tại, Chính phủ vừa hoãn kế hoạch tăng lương. Còn các doanh nghiệp tư nhân hiện trả lương đúng và đủ là đã mừng. Rất nhiều lý do cho thấy, nguồn cầu kinh doanh trong người dân tăng giá là điều khó xảy ra.
Ông Hiển cho biết thêm, giá đất tăng cao nhiều lần nhưng lại không nằm trong danh mục hàng hoá tính lạm phát. Với loạt phân tích đưa ra, ông Hiển nhấn mạnh, lạm phát cao là điều không xảy ra.
Quay trở lại với vấn đề “nếu lạm phát xảy ra thì có nên bỏ tiền vào bất động sản”, vị chuyên gia này nhấn mạnh, thông thường, khi lạm phát xảy ra, xu hướng người dân lưu trú tiền vào vàng, bất động sản. Nhưng nếu ồ ạt đổ tiền vào bất động sản, sử dụng vay ngân hàng thì rủi ro rất lớn. Ông Hiển nêu ví dụ, giai đoạn 2011-2012, nhiều đại gia vì vay tiền ngân hàng đầu tư bất động sản đã phá sản do ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay cao để bù lạm phát. Chưa kịp đợi bán bất động sản thì nhà đầu tư đã ngộp trong nợ nần.
Thế nên, ông Hiển khuyến nghị, nếu tiềm lực tài chính mạnh mới nên xuống tiền vào bất động sản.
Theo CafeF