Mặc dù là phân khúc ngách, còn mới và có tỉ suất sinh lời cao nhưng đất nghĩa trang, đất “cõi âm” vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến tính pháp lý.
Giá đất nghĩa trang tăng vù vù
“Công viên…mở bán khuôn viên 15m2”, “Bán đất nghĩa trang…giá ưu đãi từ chủ đầu tư”, “Bán khuôn viên mộ gia tộc giá rẻ”,… là những tiêu đề rao bán đất nghĩa trang hay còn gọi là đất sinh phần, đất an táng, đất tâm linh đang xuất hiện nhiều mạng xã hội và các sàn môi giới bất động sản những ngày gần đây.
Một loạt dự án đang được chào bán trên thị trường như dự án Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên (Phú Thọ), Nghĩa trang An Lạc Viên (Thái Nguyên); Nghĩa trang An Lạc (Quảng Ninh); Công viên Vĩnh Hằng giai đoạn 2 (Ba Vì, Hà Nội), Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng (Bắc Giang),…
Đất ‘cõi âm’ tăng chóng mặt, chuyên gia cảnh báo về tính pháp lý Dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng được thực hiện trên khu đất có tổng diện tích khoảng 150,48 ha đất rừng sản xuất (chiếm 99,46%).
Theo tìm hiểu, các dự án được xây dựng theo mô hình công viên nghĩa trang sinh thái bao gồm hồ nước, hệ thống đèn chiếu sáng, các khu mộ được quy hoạch và thiết kế theo hình thức phân chia gồm: Mộ đơn với diện tích từ mộ ghép 6 ngôi là 17m² (trung bình mỗi ngôi 2,83m²); Mộ đôi có diện tích 10 – 14m²; Mộ gia đình, mộ gia tộc có diện tích từ hàng chục đến hàng nghìn m2,…
Qua khảo sát, kể từ năm 2015 đến nay, đất nghĩa trang có sự tăng giá khá chóng mặt. Điển hình là trên Batdongsan.com.vn, năm 2015 một lô đất mộ rộng 17m2 có giá 12,5 triệu đồng (hơn 735 nghìn đồng/m2) nhưng đến thời điểm hiện tại thì một lô đất mộ rộng 18m2 có giá 468 triệu đồng (26 triệu đồng/m2). Những lô đất mộ có vị trí phong thủy đẹp và view nhìn ra hồ thì giá sẽ cao hơn, rơi vào khoảng 30 – 40 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ trong vòng gần 10 năm mà giá đất mộ đã tăng gấp 50 lần, một tỉ suất sinh lợi lí tưởng với thị trường bất động sản (PV).